Sự săn bắt quá mức cùng sinh cảnh bị thu hẹp khiến loài rồng đất quý hiếm chỉ còn vài trăm cá thể được ghi nhận ở Thừa Thiên Huế. Các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa công bố Nghiên cứu hiện trạng quần thể và đề xuất giải pháp sử dụng bền vững loài Rồng đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thông tin về Loài rồng đất quý hiếm ở Việt Nam
Loài Rồng đất có tên khoa học là Physignathus concincinus Cuvier, 1829, từng được ghi nhận phân bố ở các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tuy nhiên, những năm qua, loài rồng này ít được nhìn thấy trong tự nhiên. Theo các nhà khoa học, do có kích cỡ khá lớn nên rồng đất bị người dân địa phương săn bắt làm thực phẩm, đồng thời một số nhà hàng đặc sản cũng cung cấp món ăn từ thịt Rồng đất. Ngoài ra, do có màu sắc và hình dáng đẹp, rồng đất cũng được nuôi làm cảnh ở các vườn thú hoặc hộ gia đình. Vì thế, loài rồng này bị suy giảm nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm:
- Rồng đất Komodo sống ở đâu? Có nguy hiểm hay không?
- Tiết lộ cách chăm sóc Rồng Đất chi tiết và cụ thể nhất
- Rồng đất Nam Mỹ giá bao nhiêu? Giải đáp chi tiết nhất
Trên thị trường quốc tế, theo thống kê của CITES từ năm 2010-2017 có hơn 55.700 cá thể được xuất khẩu từ các nước Châu Á vào thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ, hầu hết để nuôi làm cảnh và một phần để lấy da. Trong số đó, có gần 49.000 cá thể được xuất khẩu từ Việt Nam. Số liệu trên cho thấy Rồng đất là loài động vật bị săn bắt và buôn bán rất mạnh cả ở thị trường trong nước và trên thế giới. Loài Rồng đất đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) ở bậc VU (sẽ nguy cấp).
Nghiên cứu vừa công bố cho thấy, năm 2016 ghi nhận 58 cá thể, năm 2017 ghi nhận 339 cá thể, năm 2018 ghi nhận 425 cá thể ở 11 tuyến suối thuộc 3 huyện A Lưới, Nam Đông và Phong Điền. Theo nhóm nghiên cứu, số liệu trên sẽ là cơ sở đưa ra các giải pháp bảo tồn loài bò sát này. Các nhà khoa học cũng xây dựng bản đồ hiện trạng phân bố và bản đồ dự báo vùng phân bố của loài Rồng đất ở tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng phụ cận theo bối cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2070. Diện tích vùng phân bố của loài ở thời điểm hiện tại khoảng 2281,73 km2, dự kiến giảm xuống còn khoảng 1336,95 km2 vào năm 2070.
Các giải pháp bảo tồn được các nhà khoa học đề xuất gồm kiểm soát săn bắt Rồng đất, nhân nuôi sinh sản để phục vụ nhu cầu thị trường và thả lại tự nhiên khi cần thiết, bảo vệ sinh cảnh rừng tự nhiên, kiểm soát khai thác gỗ và lâm sản trái phép, có phương án giảm thiểu tác động của các dự án làm đường. Bên cạnh đó, nhóm cán bộ của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) đã xây dựng được quy trình kỹ thuật ban đầu nhân nuôi Rồng đất quy mô hộ gia đình.
Rồng đất lên bàn nhậu và nguy cơ tuyệt chủng
Ở khu vực miền núi như A Lưới, Phong Điền và Nam Đông (Thừa Thiên Huế) là nơi có nhiều rồng đất sinh trưởng và phát triển nhưng hoạt động săn bắt ngày càng sôi động khiến số lượng ngoài tự nhiên giảm nhanh chóng.
Để đánh giá hiện trạng quần thể loài rồng đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh Vật, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Vườn thú Cologne, Cộng hòa Liên Bang Đức đã nghiên cứu trong ba năm (2016-2018). Đã có 5 đợt khảo sát ở 14 tuyến suối, trong đó có 11 tuyến ghi nhận rồng đất tại các huyện A Lưới, Nam Đông và Phong Điền, chỉ còn vài trăm con. Tại đây hoạt động săn bắt diễn ra từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, cao điểm tháng 4 đến tháng 7, trùng mùa sinh sản của chúng. Riêng ba huyện trên, tổng sản lượng săn bắt rồng đất trung bình ước tính khoảng 989 kg/năm.
PGS Nguyễn Quảng Trường, Trưởng nhóm nhiên cứu cho biết, năm 2018 khảo sát ở 14 tuyến suối số lượng tổng có 425 con, trong đó con chưa trưởng thành là 346, trưởng thành là 79. “Trong năm 2018, số lượng bắt gặp nhiều hơn nhưng chủ yếu là con non, tỉ lệ cá thể trưởng thành thấp do hoạt động săn bắt ngày càng gia tăng”, PGS Trường cho biết.
Ở Việt Nam, quần thể của loài rồng đất trong tự nhiên bị suy giảm mạnh do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt quá mức phục vụ nhu cầu của con người. Rồng đất loại to được các nhà hàng thu mua, còn loại nhỏ thường được bày bán ở các chợ địa phương. Nhóm nghiên cứu cũng điều tra tình hình buôn bán rồng đất tại thành phố Huế cho thấy giá bán cao nhất là 450.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm:
- Báo hoa mai – động vật săn mồi gây nguy hiểm đáng sợ
- Gấu trúc đỏ – Loài động vật cực kỳ quý hiếm được bảo vệ
Hãy chung tay bảo tồn và phát triển sinh cảnh sống của rồng đất bằng việc trồng bổ sung các loại cây bản địa để tạo hành lang xanh kết nối giữa các khoảnh rừng, tạo không gian rộng lớn hơn cho các quần thể động vật hoang dã, trong đó có rồng đất.
Tổng hợp: https://dongvatquy24h.net