Không chỉ xăm rồng lên da thịt, đến các nhà hàng uống rượu pha máu và mật địa long (rồng đất), dân chơi “tín ngưỡng” rồng còn lao vào thú đam mê nuôi… rồng đất. Trong lúc các tay chơi tỏ ra khoái chí, tự hào vì là chủ nhân của những con vật oai như rồng thì chuyên gia y tế cảnh báo thận trọng kẻo rước họa.
Thú vui nuôi rồng đất như thế nào?
Loài rồng mà các chàng trai, cô gái đất Sài thành “đua” nhau nuôi là loài rồng đất, trong các quán nhậu đặc sản, loài này được gọi là “kỳ tôm”, thuộc họ nhông. “Trong các loài bò sát 4 chân như rắn mối, kỳ đà, tắc ké, kỳ nhông, tắc kè, con dông… thì rồng đất là loài oách nhất. Oách bởi nó có nhiều điểm ngoại hình rất giống rồng như màu da sặc sỡ, từ đầu đến đuôi đều có kỳ (cờ) vừa sần sùi lại đa sắc. Mỗi khi “bực”, rồng đất phùng mang trợn má trông không khác gì con thần long thu nhỏ” – Thủ, sinh viên năm 2 Trường Đại học Nông lâm, ngụ quận Thủ Đức, chủ nhân của một cặp rồng đất, tỏ bày.
Có thể bạn quan tâm:
- Rồng đất Komodo sống ở đâu? Có nguy hiểm hay không?
- Tiết lộ cách chăm sóc Rồng Đất chi tiết và cụ thể nhất
- Rồng đất Nam Mỹ giá bao nhiêu? Giải đáp chi tiết nhất
Thủ là một trong hàng ngàn chàng trai cô gái, chủ yếu là học sinh – sinh viên hiện đang sinh sống, học tập tại TP HCM có niềm đam mê nuôi thú cưng là những con rồng đất. “Rồng theo truyền thuyết là loài sống trên cao, có biệt tài vờn mây đạp gió, khạc ra lửa khiến muôn loài khiếp sợ. Dũng mãnh như thế lại có dáng hình đẹp nên rồng được vua chúa xem là biểu tượng quyền uy của mình. Ai cũng biết con rồng không có thật nhưng thực tế cho thấy có con vật rất giống rồng, đó là loài rồng đất. Giống này đẹp, lạ, lại phù hợp với chủ đề năm Nhâm Thìn nên ai cũng kết”.
Tung lên blog cá nhân của mình sê-ri ảnh hơn chục tấm hình chụp mình với “đàn rồng đất” gồm 4 con trong các tư thế vui chơi, ăn ngủ, Xuân Loan, nữ sinh lớp 11 trường B.T.X. (quận Tân Bình) không quên “đính” kèm lý do cô bé nuôi thú cưng là những con vật mà không ít người cho là “thú gớm ghiếc”.
Nuôi rồng đất tiềm ẩn những mối nguy bệnh tật
Loan đặt tên cho 4 con rồng đất của mình là Xuân-Hạ-Thu-Đông, kèm lời nhắn: “Các bé rất ngoan. Mình cho mỗi bé ở một chuồng. Khi được thả chung với nhau, các bé phùng mang giương vuốt đấu với nhau trông đẹp lắm. Mình cũng thích ngắm các bé khi đói được cho ăn. Lúc thấy con mồi, các bé xù người đầy gai góc rất dũng mãnh”.
Minh Tuấn, sinh viên năm nhất Trường Đại học Kiến trúc (hiện ngụ quận Phú Nhuận), phân tích: Nếu như ở trong quán nhậu, rồng đất càng lớn thì càng có giá, ví như 1 con cỡ trên 600 gram thì giá cũng phải 600.000 đồng nhưng rồng nuôi cảnh thì khác.
Giá trị của con vật không phải ở trọng lượng mà ở màu sắc. Rồng nhỏ nhưng dáng thanh, nhiều màu, màu sáng, sặc sỡ, khi tức giận thì toàn thân bung gai, gai không gãy… thì càng có giá. Đặc biệt dân máu chơi rồng sẵn sàng trả hơn 1 triệu đồng cho những con rồng có khả năng đổi màu như tắc kè, tắc ké”. Thú nuôi rồng đất của giới trẻ Sài thành liệu có an toàn hay tiềm ẩn những mối họa bệnh tật nguy hiểm? Và liệu các cơ quan chức năng có biết trào lưu nuôi sinh vật cảnh này của giới trẻ?
Trao đổi vấn đề này với PV Báo CAND, ông Võ Thanh (phụ trách truyền thông Hội Sinh vật cảnh TP HCM), cho biết chưa ghi nhận thông tin gì từ trào lưu “nuôi rồng” của giới trẻ nên không biết phải đưa ra khuyến cáo gì. “Điều tôi chắc chắc rằng đó là trào lưu nuôi thú cảnh tự phát. Còn việc những con vật ấy có mầm bệnh gì không thì chỉ cơ quan thú y và ngành Y tế mới có thể trả lời” – ông Thanh nói!
Trên thực tế, đã có không ít “môn đồ” của trào lưu nuôi rồng đất bị thú cưng của mình cắn gây trầy xước, chảy máu trong quá trình đùa giỡn, cho ăn… “Liên quan đến sức khỏe thì không thể khinh xuất, xem thường” – một bác sĩ ở Viện Pasteur TP HCM, cảnh báo: “Khi bị súc vật như chó, mèo, khỉ, cáo, dơi… và kể cả rồng đất cắn hoặc có vết thương trầy xước, nếu vật nuôi chưa được tiêm phòng thì người bệnh cần đến ngay cơ quan y tế nơi gần nhất để các bác sỹ chuyên khoa hướng dẫn cụ thể. Khi cần thiết sẽ chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại và vaccin phòng chống bệnh dại”.
Có thể bạn quan tâm:
- Rắn hổ mang chúa – Đứng đầu trong bộ tộc của loài rắn
- Rắn ráo là loài rắn gì? Loài rắn này có độc hay không?
Cùng với hiểm họa bệnh dại, thú nuôi rồng đất của giới trẻ còn ít nhiều gây hại cho hệ sinh thái. Để vỗ béo “rồng”, bên cạnh dế và gián.., các chàng trai cô gái tích cực mua hoặc tự săn bắt thằn lằn. Ai cũng biết thằn lằn là khắc tinh của ruồi muỗi, sâu bọ. Nay thiên địch bị truy sát để phục vụ cho rồng đất, hệ lụy gì ẩn sau hiện tượng ấy… không nói hẳn ai cũng rõ!